Dù là bệnh không lây nhiễm, nhưng tăng huyết áp lại là bệnh lý rất nguy hiểm và là bệnh “đồng hành” cùng người cao tuổi (NCT) vì có đến 90% không có nguyên nhân, tức là tiên phát. Do đó, NCT phải học cách chung sống hòa bình với bệnh”, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh (BV Lão khoa Trung ương) nhấn mạnh.
Trên 50% NCT mắc tăng huyết áp
Tại buổi Tọa đàm “Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc NCT mắc một số bệnh nan y thường gặp” do Tổng cục DS-KHHGĐ, Báo Gia đình và Xã hội tổ chức ngày 7/11 vừa qua, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết – Cơ xương khớp (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: Ở người trưởng thành, tăng huyết áp chiếm khoảng 20-25%. Còn ở người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên), tỷ lệ mắc tăng huyết áp lên đến hơn 50%. Thậm chí, theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ tăng huyết áp ở NCT rơi vào khoảng 55 – 60%. Điều đó có nghĩa là cứ 2 NCT sẽ có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
Một người được gọi là tăng huyết áp nếu như huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140; hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90. Do đó, muốn biết mình có bị tăng huyết áp hay không thì điều đơn giản là đo huyết áp.
Hãy trang bị máy đo huyết áp tại nhà! Qua các bước sử dụng đơn giản chúng ta hoàn toàn theo dõi huyết áp thường xuyên một cách nhanh chóng.
>> Máy đo huyết áp điện tử Medally
Tuy nhiên, theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, khi đo huyết áp, nếu không kiểm soát được các yếu tố liên quan thì có thể chẩn đoán nhầm hoặc quá mức các chỉ số.
Chẳng hạn, nếu như vừa chạy nhảy, leo cầu thang, uống cà phê hay nghe tin sốc đột ngột làm cho người ta lo lắng cũng làm cho huyết áp tăng lên tạm thời trong một thời gian ngắn, sau đó, huyết áp lại trở về bình thường. Hoặc trong bệnh lý thần kinh, bệnh nhân đột quỵ, cấp cứu rất dễ gặp phải tình huống này. Sau một vài tiếng cơ thể hiệu chỉnh có thể trở về bình thường, nhưng thường những người giáp ranh yếu tố nguy cơ đó sau này cũng sẽ bị tăng huyết áp thực sự.
PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh cho biết thêm, có người bị huyết áp cao nhưng hầu như không có biểu hiện, triệu chứng gì. Vì vậy người ta vẫn gọi tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh có thể diễn biến 5 – 10 năm chưa có biểu hiện gì nhưng thực sự đã gây ra những tác động xấu trong cơ thể. Ví dụ dẫn tới suy tim, suy thận, tổn thương các mạch máu trong cơ thể. Hoặc là một người vào viện cấp cứu vì một cơn phù phổi cấp, đột quỵ mới biết mình mắc tăng huyết áp.
“Dù là bệnh không lây nhiễm nhưng tăng huyết áp lại là bệnh lý rất nguy hiểm và là bệnh “đồng hành” cùng NCT vì có đến 90% không có nguyên nhân, tức là tiên phát. Do đó, NCT phải học cách chung sống hòa bình với bệnh”, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nhấn mạnh.
Nhiều sai lầm trong việc kiểm soát tăng huyết áp
Cũng đề cập đến vấn đề tăng huyết áp ở NCT, GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, tăng huyết áp của những NCT là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Những bệnh lý liên quan đến tăng huyết áp mà chúng ta biết thường gặp nhất là cơn đột quỵ não.
Theo GS.TS Lê Đức Hinh, chỉ số đo huyết áp rất quan trọng, do đó, cách đo chính xác chỉ số này là việc cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người không được huấn luyện gì về chuyên môn cũng tự mua máy đo cho mình, con số đó có thể không chính xác. Bên cạnh đó, đo vào thời điểm nào, máy móc đo ra sao, tư thế đo… cũng rất quan trọng.
GS.TS Lê Đức Hinh cho biết thêm, ở những người vốn bị tăng huyết áp, trong một lúc nào đó bất chợt mạch máu vỡ ra hoặc co thắt lại làm cho máu lên não không được thông thoáng thì ngay lập tức những người đó có thể xuất hiện đột quỵ não. Do đó, những người có biểu hiện tăng huyết áp phải được thầy thuốc chuyên khoa tư vấn và phải tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định.
“Chúng tôi đã gặp những trường hợp suốt ngày không uống thuốc, đêm mở máy ra đo thấy con số tăng lại vội vàng uống. Hoặc có lúc 1h sáng đem máy ra đo rồi thấy chỉ số huyết áp tăng lại cuống cuồng đi gọi bác sĩ cấp cứu”, GS Lê Đức Hinh cho hay.
Cũng theo GS.TS Lê Đức Hinh, hiện có những người chỉ dùng một thuốc là ổn nhưng có người phải phối hợp nhiều loại. Việc dùng thuốc đó quyết định rất quan trọng trong điều hòa dòng mạch máu ở cơ thể nói chung và với dòng mạch máu ở não nói riêng. Việc điều hòa huyết áp đó là do thầy thuốc chỉ định và người bệnh phải tuân thủ nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện nay cũng có tình trạng người dân mách nhau dùng thuốc. Điều này là vô cùng nguy hiểm nếu người bệnh dùng sai thuốc, sai liều lượng chỉ định.
Một vấn đề nữa mà GS Lê Đức Hinh thấy không cần thiết là nhiều người tăng huyết áp lại mua nhân sâm về ngậm. Điều này là không tốt vì nhân sâm có thể làm cho huyết áp thay đổi không ổn định. Do đó, với người bị tăng huyết áp (huyết áp vốn đã không ổn định) thì tốt nhất không nên ngậm sâm, tránh tình huống xấu có thể xảy ra.
Hạn chế lượng muối trong các bữa ăn hàng ngày
Đề cập đến những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho những người tăng huyết áp, nhất là NCT, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay, chế độ dinh dưỡng của người tăng huyết áp có nhiều hạn chế. Thứ nhất người tăng huyết áp đôi khi không biết mình cần ăn cái gì và những người chăm sóc (vợ/chồng, con cái) cũng không biết. Chính điều đó làm cho chế độ ăn không hỗ trợ được cho việc điều trị cũng như việc kiểm soát bệnh, dự phòng các biến chứng.
PGS.TS Lê Bạch Mai lấy ví dụ, người tăng huyết áp lại thích uống rượu bia. Một lúc nào đấy vui quá lên, huyết áp tăng mà rượu bia vào, giãn mạch ra dễ dẫn tới đột quỵ. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghiệp thực phẩm chúng ta có rất nhiều thức ăn chế biến sẵn. Với người tăng huyết áp nói chung và NCT bị tăng huyết áp nói riêng, nếu ăn nhiều các loại thực phẩm này rất dễ khiến huyết áp lên cao hơn vì đa phần chúng được bảo quản bằng muối. Thực phẩm chứa nhiều muối trên thị trường khá phổ biến. Trong khi đó, quy định về nhãn mác của chúng ta lại chưa quy định về công bố hàm lượng muối trong mỗi sản phẩm.
PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết thêm, chế độ ăn của người tăng huyết áp cần hạn chế muối nhưng 80% lượng muối đưa vào cơ thể lại đến từ bàn tay chính người nội trợ. “Không những nấu nướng bình thường cho mắm muối, bột canh mà còn tẩm ướp trước khi nấu khá nhiều. Trên bàn ăn bao giờ cũng có đĩa muối, bát nước mắm… Ăn hoa quả cũng chấm muối tạo thành thói quen chấm muối. Điều này trở thành rào cản để cho người tăng huyết áp có thể kiểm soát chế độ ăn của mình cũng như kiểm soát chỉ số tăng huyết áp của mình”, PGS.TS Lê Bạch Mai nhấn mạnh.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo, giảm muối là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bệnh lý tăng huyết áp. Hữu hiệu nhất không chỉ phải ở hiệu quả mà còn về mối tương quan với giá thành. Với riêng Việt Nam, WHO khuyến cáo nên giảm lượng muối đi 30%. Đây là mục tiêu phát triển bền vững.
>> Tư vấn cách chọn máy đo huyết áp tốt
Theo báo giadinh.net.vn